fbpx

Tôi đã rèn luyện sự kiên trì như thế nào?

Năm nay tôi 21 tuổi, tôi là một người khá mơ mộng, luôn vui vẻ và hiếm khi bày tỏ cảm xúc tiêu cực. Nhưng thực chất, tôi không hề quá vui vẻ như mọi người đã từng tiếp xúc. Tôi khá trầm tính và rất thích một mình. Chính bởi vì có những sự đối lập này mà bản thân tôi luôn sống không kiên định, dễ thay đổi, hay cáu gắt nhưng lại rất khó bày tỏ và có xu hướng che giấu cảm xúc  thật của bản thân. 

Có vẻ như tôi chưa thực sự kiên trì làm điều gì đó, ngay cả kiên trì tìm hiểu về bản thân mình. Tôi tự hỏi “Liệu mình đã thực sự tự rèn luyện sự kiên trì dù chỉ một lần?”.

1. Tôi đã chọn phương thức nào để duy trì sự kiên trì?

Thực ra, khi nghe từ “phương thức” thì có vẻ như quá khắt khe và bó hẹp, đóng khuôn. Nhưng sự thật, đối với tôi, điều đó như một khoá học tự bản thân rèn luyện và duy trì để tìm ra những điều mình còn đang dang dở.

Tôi chọn đọc sách. Với tôi, đọc sách là một điều gì đó rất khó khăn bởi tôi chỉ thích đọc sách có hình ảnh như Thế giới rau củ, lịch sử động vật hay những quyển sách chỉ hình và tự tưởng tượng. Tôi khó khi kiên trì ngồi im, nằm hoặc giữ bất cứ tư thế nào đó để tập trung vào một điều gì đó, đặc biệt là sách. Đọc sách không chỉ giúp tôi rèn sự kiên trì của bản thân, mà còn kiên trì để hiểu, để tiếp nhận, lắng nghe và lĩnh hội những điều tối đẹp mà sách truyền tải.

Thậm chí, ngay cả khi bản thân tôi không lĩnh hội được bất cứ giá trị nào cả, thì đó cũng không phải điều xấu. Tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là cách mình hiểu về một thời, một phong cách hoặc mở mang thêm những chiều sâu trong những khía cạnh khác. 

Bởi vậy, trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp, anh chị đã tạo điều kiện để tôi được rèn luyện sự kiên trì này với cuốn sách “Lối sống giản dị của người Nhật”. Đây là cuốn sách “nhiều chữ nhất” mà tôi dám thử thách bản thân và lúc đó tôi thực sự băn khoăn bản thân mình sẽ làm gì với cuốn sách. 

2. Sự kiên trì có khó để rèn luyện?

Tôi từng nghe anh sếp tôi nói “21 ngày đủ để hình thành một thói quen tốt và từ bỏ một thói quen xấu. Nhưng đó chỉ là sự hình thành non nớt và em sẽ phải mất khoảng 3 – 4 tháng sau đó để duy trì, phát triển nó trở thành những thói quen thực sự.” Tôi đã thực hiện và cảm thấy đúng là vậy, theo quan điểm riêng tôi.

Tôi có thể sẵn sàng bắt đầu thử thách 21 ngày đó. Nhưng sau 21 ngày đó, tôi sẽ làm gì tiếp? Hay tôi chỉ thực hiện để thử thách bản thân? Nếu muốn thực sự thay đổi thì điều gì là cần thiết?

Tôi là một người không thích đọc sách chữ và khá là cẩu thả. Khi nhận được cuốn sách và thử thách của anh chị. Anh chị đã hỏi tôi rằng “Em sẽ đọc xong trong vòng bao lâu?”. Tôi có trả lời rằng “Dạ chắc em sẽ đọc trong khoảng hơn 2 tháng ạ” và anh chị khá bất ngờ về câu trả lời của tôi. 

Tôi sẽ làm gì trong vòng 2 tháng để hoàn thành cuốn sách 298 trang? Liệu có quá khó để duy trì thói quen tốt hay tiếp tục kéo dài sự trì hoãn của bản thân?

Những ngày đầu tiên đọc sách và rèn luyện sự kiên trì, tôi rất háo hức vì tôi thích cảm giác cầm trên tay một cuốn sách và ngửi mùi sách cũ. Thế nhưng, sau khi đọc hết những trang tranh đầu tiên, sự kiên trì của tôi dàn giảm xuống và tôi không tìm ra động lực để tiếp tục đọc bởi tôi cảm giác bản thân không trân trọng quyển sách, tôn trọng tác giả. Những ngày đó tôi như kiểu đang nuốt, nhồi nhét và đọc trong vô cảm. Điều này không chỉ khiến tôi mất thời gian và còn duy trì một thái độ, thói quen xấu với sách.

Sau hơn 2 tháng, quyển sách vẫn nằm ở những trang đầu và được đặt ở phía góc đầu giường tôi. Ngày nào tôi cũng gặp nó nhưng hiếm khi chạm vào. Chắc quyển sách đã tủi thân và buồn lắm vì sự ích kỷ ở sở thích của tôi. 

Anh chị ở công ty tôi đã hỏi về cuốn sách và tiến độ đọc của tôi. Mặc dù tôi có chút ngại về sự lười biếng của bản thân, nhưng tôi vẫn nói rằng cuốn sách mới chỉ dừng ở trang 78. Tôi còn hoàn toàn chưa động vào cuốn sách hơn tháng nay. Anh chị không cáu giận mà còn bảo tôi rằng “Nếu em thực sự muốn thay đổi, em cần rèn luyện. Em cần thay đổi tư duy vì tư duy sẽ liên quan đến hành động và thái độ của em.”

Tự dưng khoảnh khắc đó tôi thấy bản thân thật hèn nhát, rụt rè và lười biếng. Tôi muốn thay đổi, muốn phát triển nhưng lại nằm trong thế bị động, đợi mọi thứ, mọi vật tác động lên mình. Vậy động lực của tôi là gì? 

3. Động lực của sự kiên trì 

Tôi nhận ra rằng trong bất kể hoàn cảnh nào, việc xác định được mục tiêu và động lực khiến lộ trình rèn luyện được rõ ràng và có thể từng bước thực hiện. Lúc đó, anh chị có hỏi tôi là “Tôi muốn đọc sách để làm gì?”, đơn giản lúc ý tôi chỉ muốn rèn luyện sự kiên trì, bình tĩnh, sống chậm lại và cảm nhận nhiều hơn. 

Nhưng dù lý do gì, việc xác định được mục tiêu và động lực riêng vẫn là rất đáng. Tôi là người thích viết lách mặc dù viết không hay nhưng khi nhìn thấy ai đó chăm chút đọc và trân trọng những điều mình viết tôi đều cảm thấy trân quý. Và điều tôi tìm thấy ở mỗi cuốn sách là mỗi nỗi lòng, câu chuyện hay đơn giản chỉ là những điều nhỏ nhặt trong cuốn sách họ muốn “chia sẻ”. Tôi cảm nhận được hành trình của họ, chắc hẳn đã rất khó khăn và dài nhưng chỉ bao gọn trong vài dòng, vài từ, thậm chí là những dấu 3 chấm. 

4. Lộ trình rèn luyện sự kiên trì 

Một lộ trình tốt và mục tiêu rõ ràng sẽ khiến tôi hoàn thành với hiệu suất cao nhất. Tôi không đặt mục tiêu mình phải đọc bao nhiêu trang một ngày hay phải nắm được thứ gì đó *bắt buộc*. Tôi để sách tự đi vào tôi và tôi mở rộng cơ thể hơn.

Tôi đã rèn luyện bằng cách mỗi ngày đọc sách ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ từ 21h tối đến 22h5 phút tối trong đó có 5 phút nghỉ giữa quãng đọc. Đặc biệt, trong 5 phút đó, tôi không tiếp xúc với những thứ có thể dễ cuốn bản thân vào luồng như mạng xã hội hoặc một thú vui khác. Đơn giản hơn, tôi chỉ đang để mắt nghỉ ngơi và tập trung vào những điều tôi vừa đọc. Lúc này tôi không chỉ cảm nhận được cơ thể mà còn cảm nhận được những nhịp đập xung quanh. 

5. Điều kỳ diệu của kiên trì 

Tôi cảm giác như hành trình rèn luyện sự kiên trì thật ảo diệu. Tôi đang đi tìm hiểu về một câu chuyện của ai đó, kinh nghiệm hoặc trải nghiệm, nhưng một phần nào đó tôi thấy bản thân mình.

Sự kiên trì dạy tôi cách bình tĩnh hơn, chậm hơn để hiểu và đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Đọc xong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, tôi thấy bản thân như lạc vào văn hóa người Nhật. Tôi hiểu tại sao người Nhật luôn gọn gàng, cẩn trọng và tỉ mị. Ngay từ trong suy nghĩ của họ, sự gọn gàng đã được thôi thúc như một thói quen tốt. 

Tôi nhận ra được giá trị của sự kiên trì thông qua hành trình trải nghiệm cuộc sống tối giản của người Nhật trong cuốn sách. Họ sắp xếp đồ đạc thật gọn gàng, tối giản, họ sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ không quan trọng và tìm ra được những điều thiết yếu nhất cần có. Mặc dù đây là một phong cách sống, nhưng theo tôi điều này đã rèn luyện được tư duy tối giản và logic của họ. Việc vứt bỏ mọi thứ không cần thiết thực sự rất khó bởi ngay cả chúng ta, chúng ta luôn thấy “thiếu”. 
.

Chuyện rèn luyện 5.

#Chuyenrenluyen #Chuyen #Nhungnguoirenluyen #WellLvingVietnam

CHUYỆN là những chia sẻ của Thành viên về Hành trình thay đổi chính mình tại Môi trường Những Người Rèn Luyện, thuộc WellLiving Vietnam.

Nội dung này được dựa trên quan điểm cá nhân, nhìn nhận khác nhau tùy theo mỗi người, mỗi thời điểm nhất định. Chuyên mục được viết theo tiêu chuẩn xuất bản riêng và có thể đã được chỉnh sửa để phù hợp với việc truyền đạt đúng hay rõ ràng thông tin, nhưng có thể không hoàn toàn chính xác bởi sự giới hạn của ngôn ngữ, có thể được nhìn nhận khác nhau tùy theo mỗi người, mỗi thời điểm nhất định.


WellLiving Vietnam là hệ sinh thái các giải pháp giúp nâng cao chất lượng sống toàn diện của con người, bắt đầu từ kiến thức và không gian sống.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top